Quá cảnh đường hàng không
Máy bay Li-2 cất cánh từ sân bay Cát Bi đi làm nhiệm vụ -Ảnh tư liệu
|
TT - Miền Bắc thời kỳ này rất tiết kiệm trong việc sử
dụng đường hàng không đối với lĩnh vực dân dụng. Hầu hết cán bộ và học
sinh, sinh viên đi Trung Quốc, Liên Xô, các nước Đông Âu... đều phải
theo đường sắt liên vận.
Nhưng để chi viện cho miền Nam, ngành hàng không của
miền Bắc không tiếc sức người sức của. Có hai con đường vận chuyển hàng
không lúc đó: quân sự và dân sự.
Đoàn 919
Về con đường quân sự, để vận tải khẩn cấp những hàng
hóa nặng, không quân VN đã thành lập riêng một đoàn vận tải đặc biệt
mang tên đoàn 919. Từ năm 1960, đoàn 919 đã đảm đương vận chuyển một
phần của tuyến đường Trường Sơn, nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển và
cũng đỡ được một đoạn đường bộ dài hàng nghìn kilômet từ miền Bắc vào
miền Nam.
Giải pháp này được đề xuất và thực thi như sau: cuối
tháng 2-1960, đại tướng Võ Nguyên Giáp vào Đồng Hới làm việc với các
tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, đặc khu Vĩnh Linh, sư đoàn 325, lữ đoàn 341.
Đại tướng ngồi máy bay trực thăng quan sát khu vực Làng Ho, Vitthulu
thuộc phía đông Trường Sơn. Sau chuyến khảo sát đó, đại tướng gợi ý khả
năng sử dụng máy bay để tạo "chân hàng" cho các tuyến vận tải, nhằm phục
vụ cấp bách tình hình đang sôi động của chiến trường.
Sau đó những máy bay của đoàn 919 đảm nhận công việc
này. Điểm xuất phát của những máy bay này là sân bay Cát Bi ở Hải Phòng,
sân bay Vinh, sân bay Đồng Hới. Từ đó, các máy bay chuyển hàng vào Làng
Ho, Vitthulu. Một thời gian sau, khi đã mở con đường Trường Sơn Tây,
máy bay của đoàn 919 bay thẳng sang Hạ Lào. Ban đầu do chưa bố trí được
sân bay thích hợp nên phải dùng phương pháp thả dù hàng hóa xuống một số
địa điểm quy định như Mường Phìn, Mường Phalan...
Thậm chí có những lúc không có dù để thả hàng thì các
phi công phải dùng phương pháp hạ thật thấp độ cao rồi thả thẳng hàng
xuống mặt đất. Sau đó, do đã bố trí được sân bay Tà Khống thuộc tỉnh Xê
Pôn, Nam Lào nên các máy bay có thể hạ cánh để đưa hàng và đưa quân tập
kết ở đây. Từ sân bay này, bộ đội hành quân vào Nam. Còn hàng hóa thì
đoàn 559 vận tải tiếp vào các tuyến phía trong, tới các trạm Tăng Noong
thuộc Quảng Nam, Đắc Lan thuộc Kontum...
Nhà
văn Trần Đình Vân, tác giả Sống như anh, kể: "Vào đầu thập kỷ 1960, tôi
đi B bằng máy bay, từ Hà Nội sang Phnom Penh. Khi đến sân bay Gia Lâm,
chỉ vài phút trước khi ra máy bay, tôi được thông báo mình phải nhận
trách nhiệm áp tải một chuyến hàng đặc biệt của trung ương gửi sang
Phnom Penh. Tôi nhìn thấy đó là khoảng 20-30 bó hàng vuông vắn giống như
những lô hàng rau quả hộp xuất khẩu. Đương nhiên, tôi không biết đó là
hàng gì và tôi cũng thừa hiểu mình không có quyền được biết, nhưng tôi
vẫn cứ áp tải theo máy bay sang đến Phnom Penh. Khi đến sân bay, tôi là
người nhận hành lý ký gửi. Ngay sau đó có xe đưa cả tôi và số hàng đó về
một ngôi nhà dành riêng ở Phnom Penh, tức một cơ sở của ta ở bên đó.
Sau đó xe chở ngay những "đồ hộp xuất khẩu" đó đi, theo đường bộ bí mật
vào vùng giải phóng. Nhiều năm sau sống ở vùng giải phóng, tôi mới biết
hóa ra chính mình từng là chủ một kiện hàng mấy triệu đôla, dù chỉ là
lúc ở trên trời".
|
Trong ba năm từ 1960-1962, trên chiến trường Lào, các
máy bay của đoàn 919 phối hợp với phi công Liên Xô đã thực hiện 3.821
chuyến bay, vận chuyển 9.419 lượt bộ đội và 743 tấn hàng hóa, thả 3.227
dù hàng và kiện hàng xuống 20 địa điểm khác nhau trên đất Lào.
Tuy nhiên tuyến vận tải máy bay quá cảnh sang Lào chỉ
tồn tại đến trước thời điểm chính phủ liên hiệp ba phái ở Lào bị xóa bỏ
(1963). Từ năm 1965 không quân Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc nên không
thể sử dụng máy bay chở hàng vào Quảng Bình hoặc vượt lên tây Trường Sơn
được nữa. Chỉ từ đầu năm 1973, sau khi ký kết Hiệp định Paris về VN,
nhiều vùng giải phóng hợp pháp đã hình thành ở miền Nam, hình thức vận
chuyển hàng không quân sự mới lại được sử dụng rộng rãi. Tính từ 1960
cho đến kết thúc chiến tranh tháng 4-1975, đoàn 919 đã vận chuyển vào
miền Nam và xuống Nam Lào 60.000 lượt bộ đội, 31.000 tấn vũ khí đạn
dược, khí tài, lương thực, thuốc men và hàng hóa quân sự...
Dùng Air Cambodia và Air France
Vận tải hàng không dân sự là hình thức vận chuyển công
khai nhưng lại tuyệt mật. Đó chính là tuyến vận tải hàng không dân dụng
bình thường của Vương quốc Campuchia (Air Cambodia) bay từ Phnom Penh đi
Hà Nội, hoặc từ Phnom Penh đi Quảng Châu, Hong Kong rồi theo đường sắt
hoặc đường hàng không về Hà Nội. Sở dĩ công khai vì nó sử dụng một loại
đường bay thương mại bình thường như mọi đường bay khác.
Nhưng cũng là tuyệt mật vì nó gài vào trong đường bay
bình thường những "hành khách" không bình thường. Máy bay của Air
Cambodia được quyền bay ngang lãnh thổ miền Nam VN, cũng như máy bay của
Nam VN được phép bay từ Sài Gòn qua không phận Campuchia để đi Bangkok,
Tây Âu. Con đường này rất an toàn, vì nó là sự mạo hiểm được bọc lót
dưới một hình thức công khai hợp pháp.
Tất nhiên đó là sự mạo hiểm được tổ chức rất chu đáo:
từ căn cước giả, tên giả, đến lai lịch giả đều có một bộ phận chuyên
trách thu xếp, sử dụng đến những phương tiện hiện đại bậc nhất lúc đó.
Khi đã có đủ giấy tờ hợp pháp, lại phải bọc lót suốt từ khâu soát vé đến
khâu kiểm tra hành lý. Tại đây đều có người của "Ban cán sự K". Loại
nhân viên này thường không phải là cán bộ cách mạng mà là những nhân
viên có lý lịch rõ ràng, không có chút gì khả nghi. Thường đó là người
Hoa, người Ấn, người Lào, người Khơme... có cảm tình với cách mạng VN.
Đã có hàng ngàn cán bộ cao cấp đi ra đi vào miền Nam bằng con đường này,
tức là bay qua không phận của miền Nam VN, mà chưa xảy ra một vụ nào
rắc rối.
Con đường này cũng đã đảm nhiệm vận chuyển những tài
liệu, khí tài quan trọng như máy móc, điện đài, hàng triệu đôla để chi
viện cho miền Nam. Những gia đình và con em cán bộ miền Nam cũng đi ra
Bắc bằng con đường này. Đặc biệt là việc di chuyển hàng ngàn học sinh
Trường Nguyễn Văn Trỗi ra Bắc theo tuyến hàng không này. Những bệnh
binh, thương binh, những người ốm nặng... thường cũng được đưa theo con
đường này để kịp thời ra Bắc chạy chữa, an dưỡng...
Một trong những nhân viên lữ hành (người làm khâu quan
trọng và nguy hiểm nhất như kiểm tra vé, căn cước, visa, nhận diện, cân
hành lý...) ở sân bay Pochentong là ông Check Nguyễn Cang, một người Ấn
Độ lai VN. Ông có cha là một thương gia lớn người Ấn Độ tại Sài Gòn từ
lâu đời, lấy vợ VN và có nhiều con. Ông Cang đã bí mật hoạt động cho
Việt Minh từ thời kháng chiến chống Pháp, dưới cái vỏ là một viên chức
làm cho Air France ở Sài Gòn. Sau Hiệp định Genève, đến năm 1955, ông
sang Phnom Penh làm cho Air Cambodia với cái tên hoàn toàn Ấn Độ là
Check Kesath. Với một lý lịch như thế ông không bị ai để ý. Nhưng ông là
một trong những đầu mối chính lo các giấy tờ, đồng thời cũng là nhân
viên cửa ga.
Ông hoạt động ở đó suốt những năm chiến tranh, cho đến
tháng 3-1975 không may ông bị chính quyền Pol Pot phát hiện và thủ tiêu.
Em ruột của ông Nguyễn Cang là Kamal Nguyễn, bác sĩ tại bệnh viện thành
phố Lille (Pháp), cũng là chủ tịch Hội Việt kiều tại đây, kể lại: "Anh
tôi đã hoạt động cho Việt Minh ngay từ những năm 1950, chuyên lo việc
đưa người của mặt trận lọt qua hệ thống kiểm soát của sân bay để bay về
Hà Nội và từ Hà Nội bay sang Phnom Penh, rồi từ đó bí mật đi vào vùng
giải phóng".
ĐẶNG PHONG
____________________
Trước khi Lonnol tiến hành đảo chính, ông ta đã
tính tới việc đổi tiền để vô hiệu hóa số tiền riel lớn được lưu giữ trên
đất VN. Một sứ mệnh được đưa ra: "giải cứu" số tiền đó trước khi diễn
ra đảo chính.
Xem tiếp phần 4 cuộc chuyển tiền ngược chiều
Xem tiếp phần 4 cuộc chuyển tiền ngược chiều
No comments:
Post a Comment